Tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề pháp lý về trẻ em bị bỏ rơi hiện nay”

Đăng vào 05/09/2021 00:00

Nguồn: Link

Đức Duy | 04/09/2021, 20:33

  •  
  •  

Mới đây, CLB Công lý vì trẻ em, Trường ĐH Luật Hà Nội đã phối hợp với CLB Hoa Đá, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện buổi Tọa đàm trực tuyến “Các vấn đề pháp lý về trẻ em bị bỏ rơi hiện nay”

Tọa đàm “Các vấn đề pháp lý về trẻ em bị bỏ rơi hiện nay” là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện “Những chiến binh cầu vồng” của CLB Công lý vì trẻ em.

240609671_166939535579572_2523962833792951909_n.png

Tọa đàm được tổ chức trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp tại fanpage của hai CLB Công lý vì trẻ em, Trường ĐH Luật Hà Nội và CLB Hoa Đá, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác và tham gia.

Buổi tọa đàm nhằm tập trung làm rõ những khía cạnh liên quan đến vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi hiện nay từ nhiều góc độ, đặc biệt là góc độ pháp lý. Vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi là một trong những vấn đề đang nhức nhối hiện nay.

241340847_355144019738871_1074223851604756239_n.png

Tọa đàm được tổ chức trên nền tảng Zoom

Từ việc làm rõ định nghĩa, thực trạng, nguyên nhân, hội thảo đem đến cái nhìn toàn diện, sâu sắc, đồng thời gợi mở một số giải pháp thiết thực, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Đồng thời, tọa đàm cũng là cơ hội để chia sẻ đầy tâm huyết về vấn đề trẻ em bị bỏ rơi, về khái niệm, nguyên nhân, thực trạng cũng như một số giải pháp đến từ các chuyên gia.

Chia sẻ về thực trạng trẻ em bị bỏ rơi, Đặng Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nhấn mạnh: “Vấn đề trẻ em bị bỏ rơi không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cả thế giới, và pháp luật quốc gia cũng như pháp luật thế giới đều có những quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ trẻ em bị bỏ rơi. Ở Việt nam, vấn đề bỏ rơi trẻ em sơ sinh là vấn đề vô cùng nhức nhối”.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, Trường Đại học Luật Hà Nội nói: “Bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng với nơi xa xôi hẻo lánh rất khác nhau. Nếu một người mẹ bỏ đứa trẻ ở cổng chùa, nơi có nhiều người qua lại thì có thể người mẹ đó vẫn mong muốn đứa bé được sống. Nhưng có những người mẹ đem con bỏ trong rừng hay hố ga, khe nhà thì thật sự muốn tước đi quyền được sống của đứa trẻ đó”.

Khi được hỏi về giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn này từ kinh nghiệm của quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, Phó Viện trưởng Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp từ quốc tế đã làm như: Mỹ có CLB hỗ trợ bà mẹ và trẻ em sơ sinh của ĐH Harvard, kết nối để chăm sóc tư vấn hỗ trợ dạy dỗ để nuôi trẻ sơ sinh hay chương trình mô hình chăm sóc thay thế của Thụy Điển chia sẻ cho Việt Nam, tìm kiếm gia đình nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Các nước Pháp, Ý, Thụy Điển có mô hình tài trợ nuôi trẻ bị bỏ rơi. Úc có mô hình “Nôi thiên thần”, nôi điện đảm bảo độ ấm và tiếng chuông, giúp đảm bảo sự sống của đứa trẻ...

Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công, Viện Luật So Sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội. Cô Thu chia sẻ: “Dù phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do bối cảnh dịch bệnh, nhưng bản thân cô cho rằng buổi tọa đàm đã diễn ra tốt đẹp. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa và truyền cảm hứng từ CLB Công lý vì trẻ em của Trường ĐH Luật Hà Nội".

"Những bước đi ban đầu của một CLB non trẻ vừa mang tính học thuật vừa mang tính xã hội tuy gặp phải khó khăn và thách thức của dịch Covid-19 nhưng vẫn có chất lượng cao, đầy chất nhân văn và giúp truyền đi một thông điệp tới những người trẻ và toàn xã hội “hãy nâng cao nhận thức và hành động để trẻ em không bị bỏ rơi dù trong bất kì hoàn cảnh nào”, bà Thu nói.